MateBook D 14 là sản phẩm laptop mới nhất của Huawei thuộc dòng MateBook D series vừa ra mắt tại Việt Nam. Máy tiếp tục kế thừa các điểm nổi bật trên chiếc D 15 trước đó như màn hình viền mỏng, webcam "nhún nhảy", vỏ kim loại, vân tay tích hợp luôn vào nút nguồn.
Trước những khó khăn ở mảng smartphone do vấp phải lệnh cấm từ chính phủ Mỹ, Huawei đang tìm cho mình những hướng đi mới. Tính riêng tại Việt Nam, từ năm ngoái đến nay, Huawei liên tục khai phá thêm các mảng sản phẩm như đồng hồ thông minh, tai nghe. Cuối tháng 6/2020, Huawei đánh dấu việc lần đầu tiên "lấn sân" sang mảng laptop tại thị trường Việt bằng chiếc MateBook D 15 ở tầm giá 16 triệu đồng. Sau đó 2 tháng, Huawei tiếp tục ra mẫu laptop MateBook 13 ở phân khúc cao hơn với
mức giá 30 triệu đồng.
Với MateBook D 14, đây có thể coi phiên bản tinh chỉnh lại từ MateBook D 15, tập trung tối ưu hơn nữa cho tính di động nhờ màn hình nhỏ hơn. Từ đó, Huawei có thể giảm bớt cân nặng, kích thước để thu hút được đối tượng người dùng thường xuyên di chuyển. Huawei MateBook D 14 sẽ chính thức thức lên kệ và phân phối đến người tiêu dùng từ ngày 20/03/2021 tại các trang thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki, hệ thống cửa hàng trải nghiệm Huawei và hệ thống bán lẻ Phong Vũ trên toàn quốc với màu xám không gian cùng giá bán lẻ đề nghị 17,99 triệu đồng. MateBook D 14 còn có một phiên bản khác với cấu hình thấp hơn, sử dụng vi xử lý AMD Ryzen 5 3500U với mức giá 15,99 triệu đồng. Thiết kế 'full kim loại' tương tự đàn anh, lấy cảm hứng từ MacBook Thiết kế của MateBook D 14 hoàn toàn tương tự người anh em D 15. Máy chịu ảnh hưởng lớn từ MacBook Pro với phong cách tối giản, toàn bộ phần vỏ và khung đều làm từ hợp kim nhôm tông màu xám bạc, các cạnh phẳng, vuông vức bên trong. Chỉ duy nhất khu vực viền bao quanh màn hình làm từ nhựa Mylar. Đây là loại nhựa thường được dùng để làm nắp sữa chua hay túi giấy bạc đựng cà phê.
Mẫu laptop của Huawei tương đối mỏng gọn với độ dày 15,9mm và trọng lượng 1,38Kg, đủ linh hoạt để mang theo bên mình mà không gây cồng kềnh cho balô, túi xách. Việc cầm máy bằng một tay và tay còn lại để thao tác chuột hay bàn phím khi cần cũng hoàn toàn có thể thực hiện mà không gặp nhiều khó khăn. Trước đó, MateBook D 15 từng có độ dày 16,9mm và trọng lượng 1,62Kg.
Máy tiếp tục gây chú ý với viền mỏng gọn ở cả 3 cạnh, điều hiếm thấy trong phân khúc 18 triệu khi hầu hết chỉ có viền mỏng 2 cạnh bên. Huawei gọi đây là màn hình tràn viền Full View với ba cạnh trái phải và trên mỏng đều nhau, kích thước chỉ 4,8 mm giúp đạt tỷ lệ màn hình so với thân máy ở mức lớn 84%. Viền mỏng giúp máy trông hiện đại, bắt mắt, đồng thời mang đến nội dung hiển thị thoáng đãng, rộng rãi hơn. Cũng nhờ viền mỏng nên MateBook D 14 có được màn hình lớn 14 inch mà kích thước không to hơn quá nhiều so với các máy 13 inch viền dày truyền thống.
Tính năng Huawei Share tiện lợi nhưng vẫn chỉ tương thích với điện thoại Huawei, Honor
Một tính năng được Huawei đặc biệt nhấn mạnh trên MateBook D 14 là Huawei Share, cho phép chiếc laptop này kết nối nhanh với các điện thoại Huawei và Honor bằng công nghệ NFC. Huawei dành hẳn một logo kích thước lớn ở phần nghỉ tay để quảng bá cho tính năng này. Thực chất, đây cũng chính là khu vực chứa chip NFC giúp Huawei Share hoạt động.
Trải nghiệm thực tế với mẫu điện thoại Huawei P40 Pro, tôi chỉ cần chạm nhẹ mặt lưng vào khu vực Huawei Share của MateBook D 14 là ngay lập tức trên laptop sẽ hiện ra thông báo xác nhận kết nối. Sau đó mất khoảng 5 giây để máy xử lý và toàn bộ hình ảnh điện thoại sẽ được truyền lên máy tính. Lúc này, có thể sử dụng bàn rê chuột và bàn phím của MateBook để điều khiển chiếc P40 Pro, trả lời tin nhắn, nhận cuộc gọi, chat messenger… thậm chí kéo thả hình ảnh, video, file tài liệu hay copy các nội dung văn bản, chia sẻ bộ nhớ tạm clipboard qua lại từ điện thoại sang máy tính, rất tiện lợi.
Tốc độ điều khiển, truyền file diễn ra khá nhanh và mượt. Thử kéo thả 1 file video 4K 60fps thời lượng 1 phút, nặng khoảng 260MB từ điện thoại sang laptop, chỉ mất khoảng 12 giây là quá trình copy hoàn thành. Như vậy, tốc độ truyền file lên tới 20MB/s, gần ngang ngửa với kết nối có dây. Điểm hay là Huawei Share không cần kết nối Internet và 2 máy cũng không cần phải kết nối chung một mạng WiFi.
Một lưu ý là để sử dụng Huawei Share, bạn sẽ cần phải bật sẵn phần mềm PC Manager cùng kết nối WiFi, Bluetooth trên MateBook D 15 cũng như bật NFC trên điện thoại. Ngoài ra, hiện Huawei Share mới chỉ hỗ trợ các điện thoại trung và cao cấp của Huawei, Honor chạy hệ điều hành EMUI 10 hoặc Magic UI 3.0 trở lên, có trang bị kết nối NFC. Vân tay nhanh, touchpad nhạy, bàn phím trung bình Một tính năng đã rất phổ biến trên điện thoại nhưng gần đây mới được trang bị trên laptop là cảm biến vân tay. Trên MateBook D 14, vân tay được tích hợp thẳng vào nút nguồn nên khi bật nguồn là có thể đăng nhập luôn vào Windows bằng thao tác chạm, không cần nhập mật khẩu. Tốc độ nhận diện vân tay nhanh, chính xác, chỉ cần chạm nhẹ, có thể nhận ngón tay ở nhiều góc khác nhau nhưng ngón tay cần khô ráo. Điểm vượt trội của Windows 10 so với Android và iOS là có thể cài đặt bao nhiêu vân tay tùy thích, không giới hạn số lượng nên bạn có thể thêm cả 10 ngón tay và cả… ngón chân nếu muốn.
Bên cạnh ngoại hình, điểm mà MateBook D 14 tiếp tục cho thấy chịu sự ảnh hưởng từ Apple là phần bàn phím. Từ bố cục phím, phông chữ, màu sắc, các biểu tượng tinh chỉnh độ sáng, âm lượng hay hình dáng của từng phím đều ít nhiều gợi nhớ đến những chiếc MacBook.
Trải nghiệm gõ phím trên D 14 cho cảm giác không thoải mái cho lắm, hành trình phím khá nông, độ nảy thấp nên gõ dễ bị hụt tay, phải dùng nhiều lực nên nhanh mỏi. Bố cục phím được làm tương tự bàn phím desktop nên tôi không mất thời gian làm quen. Bàn phím này có đèn nền với 2 mức sáng khác nhau để hỗ trợ làm việc trong đêm tối nhưng mức sáng khá thấp. Một điểm cần chú ý là bạn vẫn có thể sử dụng tổ hợp phím Fn + các phím mũi điều hướng để dùng các lệnh Home, End, Page Up, Page Down dù trên bàn phím không hề in các biểu tượng này.
Bàn rê chuột kích thước lớn là điểm Huawei tiếp tục "học hỏi" từ Apple, tuy xét về độ "siêu to khổng lồ" chưa bằng được đối thủ. Touchpad của MateBook cho trải nghiệm rê chuột tốt, độ nhạy cao, êm mịn, phản hồi nhanh, thao tác cuộn mượt mà, hỗ trợ đầy đủ các thao tác đa điểm, tương thích chuẩn precision touchpad. Diện tích rộng rãi là điểm cộng lớn giúp việc rê chuột rất thoải mái, tha hồ rê tay, kéo thả file. Nếu chỉ dùng các tác vụ văn phòng, duyệt web, gần như tôi hiếm khi phải dùng thêm chuột rời, ngoài những lúc chỉnh ảnh, biên tập video, chơi game cần độ chính xác cao.
Ở cạnh trước, Huawei tiếp tục chịu ảnh hưởng của Apple với phần gờ được làm lõm hẳn vào trong, giúp tạo điểm tựa, hỗ trợ việc mở máy thuận tiện và nhanh chóng hơn. Phần bản lề của MateBook D 14 được làm chắc chắn, cho phép máy mở góc 180 độ nhưng vẫn chưa thể mở máy bằng một tay.
Tất nhiên với mức giá thấp hơn một nửa, độ hoàn thiện của MateBook khó lòng so sánh với đối thủ đến từ Táo Khuyết. Vẫn có một chút lún nhẹ (flex) khi ấn vào phần nắp máy hay khu vực chính giữa bàn phím (vị trí phím G, H). Bề mặt kim loại chưa tinh xảo do dường như được phủ một lớp sơn thay vì xử lý dạng anode. Nhưng xét tổng thể ở tầm giá 18 triệu, độ hoàn thiện của MateBook vẫn ở mức tốt, khu vực chiếu nghỉ tay, hai bên bàn phím hay đáy máy cứng cáp, chất liệu full kim loại mát tay, chắc chắn.
Chất lượng hiển thị đã có cải tiến, webcam "nhún nhảy" vẫn chưa có nâng cấp nào
Với tỉ lệ màn hình ở mức 16:9, viền mỏng, màn hình 14 inch của MateBook D 14 tỏ ra đặc biệt phù hợp cho các nội dung giải trí như phim ảnh, MV ca nhạc. Độ phân giải Full HD (1920 × 1080) cho độ nét, chi tiết ổn. Tấm nền IPS dạng nhám, có lớp phủ chống chói, nên đạt được góc nhìn rộng, ít bị bóng lóa.
Độ sáng màn hình theo công bố của Huawei đạt mức 250 nit và thực tế đủ để hiển thị ngoài trời hay dưới nguồn sáng mạnh chiếu thẳng vào màn hình. Huawei tuyên bố màn hình của máy đạt chứng nhận TÜV Rheinland, giúp giảm ánh sáng xanh có hại cho mắt. Màn hình có thể mở góc 180 độ nên thoải mái tinh chỉnh góc nhìn trong nhiều từng huống làm việc, hoặc khi cần trao đổi công việc với người đối diện. Điểm hạn chế ở màn hình này là màu sắc kém tươi tắn, độ tương phản không cao chỉ 800:1 nên hình ảnh hiện thị có phần nhợt nhạt. Độ phủ màu cũng chỉ khoảng 40% AdobeRGB và 60% sRGB nên không phù hợp với các tác vụ chỉnh sửa ảnh, dựng phim yêu cầu độ chính xác cao về màu sắc.
Loa của MateBook D 14 được bố trí dưới mặt đáy, âm lượng khá, không bị rè hay méo tiếng khi vặn lớn tối đa. Loa được trang bị công nghệ Dolby Atmos để tối ưu âm thanh cho từng nội dung, chất lượng đủ để thưởng thức những bản nhạc nhẹ hay các game show, video YouTube không yêu cầu quá cao. Tất nhiên, việc trang bị thêm tai nghe hay loa ngoài vẫn là giải pháp hợp lý hơn.
Phần mềm Dolby Atmos đi kèm cho phép tinh chỉnh âm thanh theo từng thể loại nội dung Một điểm thú vị là để đạt được phần viền màn hình mỏng gọn ở cả cạnh trên, Huawei đã chuyển sang sử dụng dạng webcam "nhún nhảy", ẩn dưới phần bàn phím, nằm giữa phím F6 và F7. Webcam này chỉ bật ra khi người dùng nhấn vào.
Khi không cần dùng đến, có thể ẩn webcam đi để tránh các nguy cơ lộ lọt hình ảnh nhạy cảm. Điểm tiện dụng là khi webcam đang bật lên, vẫn có thể gập máy lại bình thường mà không sợ va đập vào màn hình do camera sẽ tự động lún xuống đôi chút. Cơ chế này giúp khi mở máy lên, webcam vẫn ở trạng thái bật mà không bị đóng lại, giảm bớt số lần phải nhấn vào để bật lên.
Chất lượng hình ảnh thu được từ webcam "nhún nhảy" của MateBook D 14 tương tự như hầu hết các laptop hiện nay, dừng ở mức "chống cháy" do độ phân giải vỏn vẹn…1MP tương đương mức 720p HD. Do webcam đặt ở phần bàn phím, phải chếch từ dưới lên nên hình ảnh thu được chủ yếu sẽ là… nọng cằm và các ngón tay khi gõ phím. Webcam này cũng không hỗ trợ mở khóa khuôn mặt hồng ngoại Windows Hello. Phần mic cho chất lượng thu âm ổn, rõ ràng, lọc ồn hiệu quả.
Ảnh chụp từ webcam "nhún nhảy" của Huawei MateBook D 14
Hiệu năng nhanh nhẹn, đồ họa tích hợp mạnh mẽ
Về cấu hình, phiên bản MateBook D 14 mà VnReview sử dụng trong bài đánh giá này được trang bị CPU AMD Ryzen 7 3700U 12nm. Đây là CPU có 4 nhân 8 luồng xung nhịp cơ bản 2.3GHz, có thể tăng tốc lên tối đa 4.0GHz, mức TDP mặc định 15W, có thể tùy chỉnh từ 12W đến 35W. Máy không có card đồ họa rời mà sử dụng luôn giải pháp GPU tích hợp AMD Radeon RX Vega 10 Graphics với 10 nhân xung nhịp 1400 MHz. Tại Việt Nam, MateBook D 14 còn có một phiên bản khác sử dụng vi xử lý AMD Ryzen 5 3500U tương tự chiếc MateBook D 15.
Các thông số khác gồm lượng RAM 8GB DDR4 Dual Channel 2400 MHz hàn cứng, không hỗ trợ nâng cấp, ổ lưu trữ Samsung PM981a SSD 512GB NVMe PCIe 3.0 x4 M.2 2280, cài sẵn Windows 10 Home SL. Các cổng kết nối tương đối đầy đủ với cạnh trái có 1 cổng USB Type A 3.0, 1 cổng USB Type C 3.0 kiêm luôn sạc pin và truyền dữ liệu (không hỗ trợ xuất hình ảnh, âm thanh) và 1 cổng HDMI.
Phía cạnh phải có thêm 1 cổng USB Type A nhưng đáng tiếc chỉ là loại 2.0. Bên cạnh cổng USB là 1 cổng combo tai nghe/mic.
Hiệu năng của MateBook D 14 cho tốc độ phản hồi nhanh nhẹn trong gần như mọi tác vụ thường ngày của tôi với công việc là một phóng viên công nghệ. Từ duyệt web bằng Firefox với thường trực khoảng 20 tab, đã cài sẵn cũng gần 20 Add-on, đồng thời bật song song cả Chrome, Edge thêm 4 – 5 tab nữa, đến xử lý ảnh bằng Lightroom, Photoshop hay dựng video Full HD với Premiere Pro, chiếc laptop của Huawei vẫn tỏ ra không hề nao núng.
Tôi cũng thử chơi cả một số tựa game quen thuộc như Liên Minh Huyền Thoại, Fifa Online 4 và CS:GO trên chiếc máy này và chúng đều chạy tốt ở mức 60fps, độ phân giải Full HD với thiết lập đồ họa từ trung bình đến cao. Chỉ với các tựa game offline 3A, GPU này mới chịu "bó tay", phải hạ hết thiết lập xuống thấp, độ phân giải 720p mới có thể tạm chơi nổi ở 30-40fps. Đây vẫn là kết quả khá đáng nể với một chiếc laptop văn phòng mỏng nhẹ chỉ có card đồ họa tích hợp. MateBook D 14 "cân" tốt Fifa Online 4 ở mức thiết lập cao nhất, độ phân giải Full HD, khung hình ổn định 55- 60fps
MateBook D 14 chiến tốt Liên Minh Huyền Thoại ở mức thiết lập cao nhất, độ phân giải Full HD, khung hình khi giao tranh vẫn trên 60fps
CS: GO có thể chơi tốt ở độ phân giải Full HD, mức đồ họa trung bình, khung hình ổn định từ 50-70fps Các kết quả benchmark cho thấy hiệu năng CPU của AMD Ryzen 7 3700U trên D 14 cao hơn khoảng 20% so với AMD Ryzen 5 3500U trên D 15, và gần như ngang ngửa với các chip Intel Gen 10 như Core i5-10210U hay i5-1035G1 nhưng hiệu năng GPU AMD Radeon RX Vega 10 Graphics lại trội hơn hẳn, vượt tới 40% so với i5-1035G1 và tận 60% so với i5-10210U. Điều này thực ra không quá bất ngờ bởi từ trước đến nay AMD luôn được đánh giá cao về hiệu năng GPU tích hợp, do nắm trong tay những công nghệ lõi từ nhiều năm kinh nghiệm làm card đồ họa rời. Điểm CPU (đơn nhân, đa nhân, ảnh trên) và GPU của Huawei MateBook D 14 qua công cụ GeekBench 4
Điểm hiệu năng của AMD Ryzen 7 3700U trên phần mềm Cinebench R20
Điểm hiệu năng GPU tích hợp AMD Radeon RX Vega 10 khi đo bằng 3D Mark
Tốc độ của ổ SSD trên MateBook D 14 đo bằng Crystal Disk Mark Chỉ có điểm lưu ý là hiệu năng GPU AMD Radeon RX Vega 10 phụ thuộc nhiều vào RAM nên cần đảm bảo RAM trống nhiều nhất có thể khi chạy các tác vụ nặng đồ họa như game, biên tập video. Đáng tiếc là MateBook D 15 không thể nâng cấp thêm RAM. Lượng RAM 8GB nhưng chỉ còn lại 6.94GB khả dụng (mất 1.06GB cho GPU). Bù đắp phần nào, Huawei đã thiếp lập sẵn kênh đôi Dual Channel nên tạm đủ cho các nhu cầu cơ bản.
Tản nhiệt hiệu quả, máy chạy êm, không bị "thọt" hiệu năng
Về khả năng tản nhiệt, điểm bất ngờ là dù có hiệu năng mạnh mẽ nhưng MateBook D 14 lại chạy rất êm và mát. Dù liên tục chạy các bài benchmark, vắt kiệt sức mạnh hệ thống với CPU và GPU Full load 100% trong thời gian dài nhưng nhiệt độ ghi nhận tối đa cũng chỉ lên 91 độ C, máy không hề phát ra tiếng ồn nào khó chịu từ quạt tản nhiệt. Toàn bộ khu vực chiếu nghỉ tay, bàn phím chỉ hơi ấm nhẹ.
Hiệu năng CPU và GPU nhờ thế rất ổn định, giữ được mức xung cao, không hề gặp hiện tượng quá nhiệt (throttle) như hầu hết các dòng chip Intel dòng U. Đồng thời, ngay cả khi chạy bằng pin, không cắm sạc, hiệu năng của máy vẫn không bị suy giảm là bao.
Nhiệt độ khi stress bằng AIDA64 của Huawei MateBook D 14 Điều này có lẽ do MateBook có phần mặt dưới được bố trí khe tản nhiệt lớn, có thể thấy rõ quạt tản nhiệt và ống đồng lộ ra nên khả năng tản nhiệt hiệu quả hơn hẳn so với nhiều laptop khác, thường chỉ có khe tản nhiệt ở phần bản lề màn hình.
Thời lượng pin cải thiện đáng kể, sạc nhanh nhỏ gọn, tiện lợi
Thời lượng pin trên MateBook D 14 đã có những cải thiện đáng kể so với D 15. Màn hình nhỏ hơn, dung lượng pin lớn hơn, đạt mức 56 WHr nên với các tác vụ cơ bản như duyệt web, gõ Word, màn hình độ sáng 40% ở chế độ ưu tiên thời lượng pin Better Battery, máy có thể trụ được tối đa khoảng 7 - 8 tiếng. Khi sử dụng các ứng dụng nặng hơn như Photoshop, Lightroom, thời lượng pin sẽ giảm chỉ còn khoảng 4 tiếng. Đây là mức pin tốt, đáp ứng đủ một ngày làm việc mới cần phải sạc.
Điểm đáng giá khác là MateBook D 14 được trang bị bộ sạc USB-C 65W nhỏ gọn, kích thước chỉ bằng một nửa các củ sạc laptop thông thường và to bằng khoảng 2 củ sạc điện thoại, đi kèm với cáp USB-C 2 đầu. Theo Huawei công bố, bộ sạc này hỗ trợ sạc nhanh và có thể sạc đầy 46% pin trong 30 phút khi máy ở trạng thái sleep.
Thực tế thử nghiệm cho thấy, trong 30 phút sạc từ mức 0% (máy bật không lên, hiện biểu tượng yêu cầu sạc), tôi đạt được mức pin tới 45%, gần tương đương với công bố của Huawei. Thời gian sạc đầy 100% pin vào khoảng 2 tiếng. Củ sạc của MateBook D 14 hỗ trợ chuẩn PD nên có thể sạc nhanh luôn cho các điện thoại tương thích.
Tổng kết
Trong lần "chiếm sân" mới nhất sang "sàn đấu" laptop tại Việt Nam, Huawei cho thấy họ rõ ràng không phải là "tay mơ". MateBook D 14 tiếp tục hội tụ nhiều yếu tố để tạo nên một chiếc laptop hấp dẫn. Máy có thiết kế full kim loại bắt mắt, chắc chắn. Kiểu dáng mỏng nhẹ, tiện di chuyển. Viền màn mỏng 3 cạnh hiện đại, thoáng đãng. Tính năng Huawei Share kết nối điện thoại hữu ích, cảm biến vân tay một chạm tích hợp nút nguồn tiện dụng. Touchpad rộng rãi, độ nhạy cao, webcam "nhún nhảy" lạ mắt. Thời lượng pin đủ cho một ngày làm việc. Nếu bạn thích thiết kế của MacBook nhưng lại không hợp hệ điều hành MacOS, đây có thể là một lựa chọn hợp lý. Hiệu năng của MateBook D 14 cũng ở mức tốt, đặc biệt là khả năng xử lý đồ họa, giúp chơi ổn thỏa các game phổ biến với mức thiết lập đồ họa cao hay khi cần chỉnh ảnh, dựng phim cơ bản. Máy còn chạy êm, mát mẻ, giữ được hiệu năng cao cả khi chỉ chạy bằng pin.
Điểm hạn chế của MateBook D 14 là bàn phím độ nảy thấp, hành trình nông, gõ dễ hụt và mỏi tay. Màn hình màu sắc và độ phủ màu trung bình, kém tươi tắn. Máy cũng không cho nâng cấp RAM, cổng Type C không thể xuất hình ảnh hay âm thanh. Ở tầm giá 18 triệu đồng, Huawei MateBook D 14 sẽ cạnh tranh với các đối thủ như Lenovo IdeaPad Slim 5 15ITL05, Asus VivoBook S433EA, HP Pavilion 14 dv0010TU hay Dell Vostro 3500. Điểm trội hơn của chiếc laptop Huawei là thiết kế vỏ full kim loại 3 mặt, trong khi các đối thủ chủ yếu chỉ dùng kim loại cho mặt trên và chiếu nghỉ tay. MateBook cũng sở hữu nhiều tính năng độc đáo như Huawei Share, webcam ẩn, màn hình viền mỏng 3 cạnh Full View và nhất là hiệu năng nhanh nhẹn, máy mát, chạy êm.
Theo: VnReview