Mẫu laptop nhỏ gọn đến từ Acer không cần phải "hi sinh" quá nhiều về tính năng hay cấu hình để đổi lấy yếu tố kích thước. VnReview chuyển ngữ bài đánh giá laptop thuộc diện siêu mỏng nhẹ của Acer từ trang công nghệ The Verge để bạn tham khảo. Nếu bạn cần một mẫu laptop không chỉ mỏng nhẹ, mà còn phải thuộc hàng những chiếc laptop mỏng nhẹ nhất trên thế giới, thì Acer Swift 5 là sự lựa chọn dành cho bạn. Với khối lượng chỉ 1,04 kg, đây chắc chắn có thể coi là một trong những ứng cử viên vô địch nếu một cuộc đua về kích thước của laptop được tổ chức. Khi tôi cầm chiếc máy này trên tay, tôi cảm giác mình đang cầm một khối kim loại nhưng trong ruột thì rỗng không! Còn khi tôi đặt chiếc máy này trong ba lô sau lưng của mình, thì cả ngày trong tôi luôn lo lắng không biết mình có… để quên laptop ở nhà không nhỉ?! Trên thực tế, đây không phải là mẫu laptop ‘nhẹ cân' nhất trên thị trường — chúng ta còn có Asus Expertbook B9450, LG Gram 13, Acer Swift 7, Samsung Galaxy Book S và Dynabook's Portege X30L-G — tuy nhiên những mẫu laptop này, một là có giá đắt hơn đáng kể so với Swift 5 mà chúng ta đang đề cập đến ở đây, hai là phải đánh đổi bằng hiệu năng không cao lắm. Nếu bạn đang tìm kiếm một bộ vi xử lý "thực sự được việc" dành cho đối tượng khách hàng truyền thống, phổ thông, thì Swift 5 là một trong những lựa chọn ‘nhẹ' nhất (theo nghĩa đen) dành cho bạn. Phiên bản mà tôi thử nghiệm, có giá 1.299,99 USD (khoảng 30 triệu đồng), là một chiếc máy khá "tròn trịa" và không có nhiều điều đáng phải chê trách. Đặc điểm nổi bật nhất của mẫu máy này nằm ở khối lượng và tỉ lệ khối lượng-hiệu năng mà nó mang tới cho người sử dụng. Dĩ nhiên, đối với nhiều sinh viên, người làm việc từ xa ở nhà, hay những người thường xuyên phải di chuyển, ‘tính năng' trên có thể chính là điểm mấu chốt mà họ quan tâm. Thiết kế Điều đầu tiên mà bạn sẽ chú ý khi lần đầu nhìn thấy mẫu laptop Swift 5 này là màu sắc khá lạ mắt. Thiết bị chúng tôi thử nghiệm có màu xanh lục rất đậm - chỉ hơi "phớt" màu xanh" mà hãng gọi là màu ‘misty green' (xanh sương mù), màu sắc hoàn toàn mới trên các mẫu laptop dòng Swift. Acer cho biết màu sắc này tượng trưng cho "một lối sống nhẹ nhàng, cân bằng" - tuy nhiên, mỗi người lại có thể có những cảm nhận khác nhau về màu sắc này. Dù vậy, cũng cần dành lời khen cho hãng khi đã có sự sáng tạo, trong bối cảnh đa số các máy tính xách tay trên thị trường chỉ có màu đen và xám đơn điệu. Vẻ ngoài độc đáo của chiếc máy này còn phải kể đến một "lớp chất kháng khuẩn bằng ion bạc", mà Acer cho biết có khả năng tiêu diệt các loại vi khuẩn. Tôi không chắc liệu có ai bị mắc bệnh truyền nhiễm do sử dụng laptop hay không, nhưng có lẽ lớp chất kháng khuẩn này cũng sẽ không gây hại gì cho người dùng. Phần viền màn hình được thu nhỏ lại so với thiết kế năm ngoái của Swift 5, mang đến diện mạo khá hiện đại cho bộ phận này. Đặc biệt, phần viền màn hình dưới vốn khá dày, trước đây là nơi đặt logo của Acer, giờ đã biến mất (logo được chuyển lên cạnh trên của bàn phím). Model năm ngoái có tỉ lệ màn hình hiển thị so với toàn bộ thân máy là 86,4%, trong khi model năm nay tỉ lệ này là 90%. Màn hình cũng sáng hơn so với phiên bản tiền nhiệm (321 nit so với năm ngoái là 300 nit), màu sắc và độ tương phản tốt - dù cho tỉ lệ 16:9 của màn hình đôi lúc khiến người dùng cảm thấy hơi hẹp. Laptop Swift này cũng mang đến số lượng cổng kết nối khá tốt so với ‘thân hình' mỏng, nhẹ của nó (máy chỉ dày có 1,5cm). Người dùng có một cổng USB 3.2 Gen 2 (hỗ trợ chuẩn Thunderbolt 4, DisplayPort và sạc pin), hai cổng USB 3.2 Gen 1, một cổng HDMI 2.0, một cổng cắm tai nghe (xuất âm thanh), và cổng AC của Acer. Thực tế, sẽ tốt hơn nếu hãng trang bị cho chiếc máy này thêm khe cắm thẻ nhớ SD hoặc một cổng USB-C thứ hai, nhưng dù sao, số lượng cổng kết nối như vậy cũng đã là khá ấn tượng. Ngoài ra, Swift 5 còn có bàn chuột từ (touchpad) khá mượt và có độ chính xác cao, cùng bàn phím chắc chắn, ổn định, phím bấm thoải mái. Tôi đã có thể gõ với tốc độ gõ phím thông thường của mình và không hề mắc lỗi gì trong bài thử nghiệm gõ phím - đây là điều mà trước đây tôi chưa từng đạt được. Về phần xác thực bảo mật, dưới các phím mũi tên là một cảm biến vân tay nhanh và đáng tin cậy. Điểm trừ duy nhất của thiết kế mỏng nhẹ của Swift là nó đem lại cho người dùng cảm giác khá ‘mong manh', kém chắc chắn. Ở phần màn hình có một số vị trí giống như có thể bị ‘uốn dẻo' vậy, và hiệu ứng ‘uốn dẻo' này cũng thể hiện khá rõ ở khu vực bàn phím. Tôi không nói rằng đó là thiết kế ‘rẻ tiền' - độ hoàn thiện đã có một bước tiến lớn so với Swift 3 - song đôi lúc, chiếc máy này trông có vẻ (và đem lại cảm giác) hơi ‘nhựa' nếu so vói những mẫu laptop siêu di động khác như Dell XPS 13. Acer cho biết webcam của máy hỗ trợ chụp ảnh ở dải tương phản động siêu rộng (SHDR) Các cổng Thunderbolt 4 của máy vẫn tương thích ngược với những cổng Thunderbolt đời trước. Bàn phím của máy có đèn nền. Hiệu năng của Acer Swift 5 Một trong những thay đổi quan trọng nhất của Swift 5 là được trang bị bộ vi xử lý Tiger Lake mới nhất - con chip 4 nhân Core i7-1165G7. Con chip này hỗ trợ một loạt các công nghệ và tính năng mới, bao gồm including Thunderbolt 4, Wi-Fi 6, và bộ xử lý đồ hoạ tích hợp Iris Xe. Laptop Swift này cũng được chứng nhận thông qua Evo, chương trình xác nhận của Intel dành cho các máy tính chạy chip Tiger Lake. Để có được huy hiệu chứng nhận Evo, laptop cần phải đạt được một số tiêu chí nhất định, chẳng hạn như máy có thể "thức" dậy (sau chế độ sleep) chỉ sau 1 giây, thời lượng pin tối thiểu 9 tiếng dưới điều kiện sử dụng thực tế, và hiệu năng đáng tin cậy. Không phải máy tính đạt chứng nhận Evo nào mà chúng tôi đã từng thử nghiệm cũng có thể đảm bảo được các tiêu chí này, nhưng Swift 5 đã "gần" đạt được các tiêu chuẩn đó. Bạn không hề phải đánh đổi hiệu năng để có được độ mỏng nhẹ của chiếc máy. Bên cạnh bộ vi xử lý, phiên bản Swift 5 có giá 1.299,99 USD (khoảng 29,9 triệu đồng) còn được trang bị 16GB bộ nhớ RAM và ổ cứng 1TB. Ngoài ra, bạn cũng có thể chọn mua phiên bản tiêu chuẩn 999,99 USD (khoảng 23,2 triệu đồng), được trang bị bộ vi xử lý Core i5-1135G7 (cũng được trang bị bộ xử lý đồ hoạ tích hợp thế hệ mới Intel Xe), 8GB bộ nhớ RAM, ổ cứng 512GB. Bạn có thể chọn mua model nào cũng tốt cả, tuy nhiên với những người dùng không cần phải thực hiện các tác vụ đồ hoạ quá nặng nề, phiên bản giá 999,99 USD có thể đáp ứng đủ nhu cầu của họ. Các bài đánh giá đã chỉ ra rằng bộ vi xử lý Core i5-1135G7 có hiệu năng tương đồng (thậm chí trong một số trường hợp còn vượt mặt) dòng chip Core i7-1165G7 trong các tác vụ đòi hỏi sử dụng nhiều sức mạnh của CPU. Một số mẫu laptop xuất sắc khác với tính di động tương tự cũng có giá rơi vào khoảng giữa 999 USD và 1.299 USD, khiến cho phiên bản Swift 5 giá 1.299 USD có phần khó bán hơn. Dòng máy tính ZenBook 14 nặng 1,13kg, độ dày 1,37 cm với thông số kĩ thuật tương đương có giá 1.099 USD (khoảng 25,3 triệu đồng). Bạn không cần phải đánh đổi sức mạnh phần cứng để có được sự mỏng nhẹ của chiếc máy này. Swift 5 là mẫu máy tính xách tay dùng chip Tiger Lake có tốc độ nhanh nhất mà tôi từng thử nghiệm, mặc dù có thể nó không nhanh bằng một số sản phẩm sử dụng chip AMD Ryzen ra mắt trong thời gian gần đây. Tôi gần như chưa hề gặp phải trường hợp máy bị chậm hay lỗi với những công việc hàng ngày. Và mặc dù đây không phải là một mẫu laptop phù hợp cho việc chơi game, song đồ hoạ Iris Xe đủ tốt để chạy những tựa game nhẹ. Mặt dưới máy có bị ấm lên sau một ngày sử dụng ‘hết công suất', mở nhiều tab Chrome, tải file và cập nhật dữ liệu, sửa ảnh, gọi Zoom, stream nhạc từ Spotify và xem phim trên Netflix, nhưng điều đó không gây ra cảm giác khó chịu cho người sử dụng. Tôi thường nghe thấy tiếng quạt tản nhiệt chạy khi máy hoạt động trong chế độ Performance Mode (Chế độ ưu tiên hiệu năng), nhưng khi chuyển sang Silent Mode (chế độ Yên lặng) đã khắc phục được vấn đề này (Bạn có thể dễ dàng bật/tắt chế độ này bằng tổ hợp phím Fn+F). Thời lượng pin của chiếc máy này cũng là một điều ngạc nhiên đáng vui mừng. Trong thử nghiệm thực tế của tôi, chiếc máy này có thời lượng pin đạt trung bình 8 giờ và 5 phút chạy đa nhiệm, độ sáng màn hình khoảng 200 nit - tăng đáng kể so với thời lượng pin 6 tiếng của Swift 5 năm ngoái. Thời lượng pin cũng đa tăng đáng kể sau khi tôi xoá bỏ một số phần mềm được cài đặt sẵn trong máy, gồm ExpressVPN, Amazon (được ghim vào thanh taskbar), tuy nhiên với mẫu laptop trên 1.000 USD như thế này, thật khó chịu khi Acer vẫn cài đặt sẵn cả đống phần mềm rác như vậy. Điều cuối cùng tôi muốn đề cập đến là các phần mềm hội họp video, do đây là một tính năng vô cùng quan trọng đối với những người thường xuyên di chuyển. Kết quả đạt được đôi lúc khá trái chiều. Tin tốt là Swift 5 nay đã hỗ trợ công nghệ giảm tiếng ồn sử dụng trí tuệ nhân tạo, cùng kết nối Wi-Fi 6. Những tính năng này không dễ để có thể thử nghiệm, nhưng tôi đã thử gọi Zoom trên Swift 5, và không có ai gặp khó khăn khi nghe tôi nói cả. Tuy nhiên, có một số vấn đề chưa ưng ý lắm. Webcam độ phân giải 720p cho ảnh bị nhiễu hạt khá nhiều (Camera này chưa đủ chất lượng để hỗ trợ tính năng Windows Hello). Đôi loa stereo cũng mang đến chất lượng âm thanh kém nhất so với các dòng laptop mà tôi đã từng thử nghiệm qua - khi nghe nhạc, âm trầm của chiếc loa này khá mỏng. Swift được tích hợp công nghệ xử lý âm thanh DTS, cho phép người dùng chuyển giữa nhiều preset âm thanh cho các tình huống nghe nhạc, xem phim và chơi game, ngoài ra bạn có thể tự điều chỉnh bộ cân bằng (equalizer) một cách thủ công. Không có profile nào được thiết kế riêng cho tác vụ hội họp video trực tuyến cả. Bên trong vẻ bề ngoài mỏng nhẹ, Acer Swift 5 2021 là một mẫu laptop tầm trung khá ổn. Có một số chi tiết ‘phải đánh đổi' nhưng không có thành phần nào đến mức ‘thảm hoạ'. Đa số các khía cạnh của chiếc máy này (bàn phím, bàn chuột từ, màn hình, cổng kết nối, thời lượng pin) đều ổn. Một số chi tiết khác (webcam, âm thanh, phần mềm rác) là những yếu tố không mong muốn nhưng cũng không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu những điểm yếu trên là điều mà bạn coi trọng, bạn có thể chọn những dòng máy khác có chất lượng tương đương nhưng rẻ hơn như Acer Swift 3 hoặc Aspire 5, Asus ZenBook 14, HP Envy x360 13, và nhiều mẫu máy có mức giá tốt khác. Tuy nhiên, nếu bạn mua một chiếc máy cao cấp như Swift 5, tức là bạn đang trả tiền để có được một mẫu máy mỏng nhẹ đáng kinh ngạc. Một chiếc laptop có tính di động cao - và hiệu năng khá tốt được Acer đặt vào trong đó - chính là đặc điểm đã giúp Swift 5 trở thành một trong những mẫu máy hàng đầu thuộc phân khúc. Đánh giá Acer Swift 5 (Late 2020): 8/10 điểm Ưu điểm - Hiệu năng rất tốt nếu so sánh với kích thước của máy. - Nặng chỉ 1,04 kg. - Thời lượng pin tốt. - Có tuỳ chọn màu xanh lục khá bắt bắt. Nhược điểm - Chất lượng âm thanh ở mức dưới trung bình. - Màn hình tỉ lệ 16:9 cho chất lượng hiển thị kém. - Cảm giác sử dụng hơi ‘mong manh'. - Được cài đặt sẵn nhiều phần mềm "rác" từ nhà sản xuất (bloatware). Quang Huy