Chiếc MacBook Pro mới sử dụng chip M1 có rất nhiều ưu điểm đáng ca ngợi, song bên cạnh đó vẫn còn tồn tại một vài "hạt sạn" đáng tiếc.
VnReview chuyển ngữ và giới thiệu tới bạn đọc bài đánh giá MacBook Pro 2020 sử dụng chip M1 do Nilay Patel, phóng viên chuyên trang công nghệ The Verge, thực hiện. Cách đơn giản nhất và hữu hiệu nhất để mô tả về mẫu MacBook Pro mới nhất sử dụng chip M1 của Apple có thể gói gọn trong câu sau: Đây là một chiếc MacBook Air được bổ sung thêm… quạt tản nhiệt! Tôi nói nghiêm túc đó, không đùa đâu. Quạt tản nhiệt có lẽ là chi tiết khác biệt rõ ràng nhất giữa hai mẫu laptop đầu tiên của Apple sử dụng con chip M1 tuỳ biến của chính Táo khuyết: mẫu MacBook Air - không có quạt tản nhiệt - sẽ cần phải "bóp" hiệu năng khi nhiệt độ của chip xử lý tăng quá cao. Tuy nhiên, chiếc MacBook Pro thay vào đó có thể đơn giản "bật" quạt lên và nhờ vậy, có thể duy trì hiệu suất xử lý cao trong khoảng thời gian dài hơn. Dĩ nhiên, vẫn có những điểm khác biệt khác bên cạnh cái quạt: MacBook Pro có màn hình chất lượng tốt hơn một chút, micro và loa cũng to hơn, tốt hơn. Chiếc máy này cũng có pin lớn hơn và nhờ vậy, thời lượng pin của nó cũng dài hơn. Một chi tiết dễ nhận ra nữa: chiếc máy này có thanh Touch Bar vốn gây nhiều tranh cãi thay vì hàng phím chức năng truyền thống. Tuy nhiên về mặt hiệu năng, MacBook Pro gần như tương tự MacBook Air - trừ phi bạn "bắt" nó làm việc trong thời gian dài. Và do đó, có thể nói, chiếc quạt tản nhiệt chính là sự khác biệt quan trọng nhất. Đối với một số người, sự vượt trội rất nhỏ về hiệu năng đó có thể giúp MacBook Pro trở nên "đáng đồng tiền bát gạo" hơn so với MacBook Air. Mẫu MacBook Pro khởi điểm giá 1.299 USD (khoảng 30 triệu đồng) được trang bị chip M1 với bộ xử lý đồ hoạ (GPU) 8 nhân, 8GB bộ nhớ RAM, 256GB ổ cứng SSD - có giá cao hơn 300 USD (khoảng 6,9 triệu đồng) so với phiên bản cấu hình thấp nhất của MacBook Air. Trong khi đó, phiên bản MacBook Pro có cấu hình cao cấp hơn (ổ cứng 512GB) có giá là 1.499 USD (khoảng 34,6 triệu đồng), đắt hơn 250 USD (khoảng 5,8 triệu đồng) so với mẫu MacBook Air có cấu hình tương đương. Vậy nên có thể nói, nếu so sánh với những mẫu MacBook của năm 2019, chiếc máy này không gặp trục trặc về thiết kế bàn phím, thời lượng pin xuất sắc và thậm chí hiệu năng cũng nhỉnh hơn. Rõ ràng, đây là một sự nâng cấp mạnh mẽ về mọi mặt. Có rất nhiều chi tiết kỹ thuật đáng để bàn đến về con chip M1, chẳng hạn như cách vận hành các ứng dụng thiết kế cho chip Intel trên chiếc máy này, hay liệu nó sẽ gợi mở ra tương lai nào cho những chiếc máy tính Mac? Câu trả lời ngắn gọn là chiếc máy này sẽ rất ấn tượng, và MacBook Pro thực sự là một chiếc laptop xuất sắc với hiệu suất cao và thời lượng pin ấn tượng. Nhưng nếu bạn có ý định mua một chiếc máy tính Mac chạy chip M1, liệu những nâng cấp của MacBook Pro so với MacBook Air có thực sự đáng với số tiền mà bạn phải bỏ ra hay không? Câu trả lời là… có thể, với một sự ngập ngừng!
Chấm điểm Apple MacBook Pro 13-inch (hai cổng USB-C, phiên bản Late 2020): 8,5/10 điểm
Điểm mạnh:
- - Hiệu năng tuyệt vời.
- - Thời lượng pin xuất sắc.
- - Màn hình cho chất lượng hiển thị tốt.
Điểm yếu
- - Chỉ có 2 cổng USB-C.
- - Không thể có nhiều hơn 16GB RAM.
- - Webcam cho chất lượng "đáng buồn".
- - Thanh Touch Bar đôi lúc khiến mọi thứ trở nên khó dùng hơn (thay vì dễ hơn).
Các laptop Windows với vi xử lý ARM từ Qualcomm nhìn chung chậm hơn, nhiều lỗi hơn, và phức tạp hơn các laptop với chip Intel. Dù tôi đã đoán trước Apple sẽ xử lý quá trình chuyển đổi từ Intel sang ARM tốt hơn các hãng khác, song tôi không hề nghĩ mọi thứ lại hoạt động tốt như thế này. Việc các ứng dụng của macOS nói chung và của chính Apple nói riêng chạy mượt là điều dễ hiểu, bởi nhiều trong số chúng đã được tinh chỉnh để hoạt động với vi xử lý mới.
Điều khiến bạn phải sốc là mọi ứng dụng đều chạy mượt.
Thông thường, các ứng dụng được xây dựng để làm việc với một loại vi xử lý cụ thể, do đó khi chúng chạy trên một cỗ máy với một vi xử lý khác, bạn cần một vài công cụ hỗ trợ ẩn sâu bên dưới hệ thống. Trên máy Mac, công việc này được giao cho một phần mềm gọi là Rosetta 2 - thứ sẽ được cài đặt vào lần đầu tiên bạn chạy một ứng dụng viết cho chip Intel. Không như Windows, Rosetta 2 không thực sự là một trình giả lập, nó là một trình biên dịch. Có nghĩa là các ứng dụng chạy qua Rosetta 2 sẽ khởi động lâu hơn một chút, nhưng một khi đã chạy, chúng sẽ chạy mượt. Tôi chưa từng gặp bất kỳ vấn đề nào liên quan tương thích ứng dụng. Nói tóm lại, Apple đã thực sự đạt được những thành tựu đáng ngạc nhiên trong việc làm cho các ứng dụng vốn được viết cho chip Intel có thể chạy được trên chip M1, tuy nhiên, các ứng dụng iOS khi chạy trên nền tảng này hầu hết khá "lộn xộn" do chưa có sự tương thích tốt giữa các thao tác cảm ứng trên iOS và các thao tác với bàn phím/chuột truyền thống của máy tính (Tuy nhiên, ở thời điểm bài này được dịch, Apple đã tung ra một bản cập nhật iOS nhằm "chặn" không cho người dùng cài đặt và chạy các ứng dụng iOS trên máy tính Mac.) Những nhận xét ở trên đúng với cả MacBook Air.
Tuy nhiên, riêng với MacBook Pro, thứ làm nên sự khác biệt chính là quạt tản nhiệt và linh kiện này rất có ý nghĩa đối với hiệu năng của con chip M1. Và do về bản chất, chip M1 hoạt động hoàn toàn khác so với những con chip x86 chúng ta vẫn thường quen trên những chiếc laptop truyền thống, sẽ còn nhiều điều để khám phá. Một con chip Intel tiêu chuẩn, chẳng hạn như chip Core i5 bốn nhân xung nhịp 2GHz được Apple trang bị cho những mẫu MacBook Pro cao cấp không phải lúc nào cũng chạy ở xung nhịp 2GHz. Đây là tốc độ xung nhịp tiêu chuẩn. Tuy nhiên khi cần đạt hiệu năng cao hơn, con chip này có thể được tăng tốc ("turbo boost") lên 3,8GHz. Và khi máy cần phải hạ nhiệt độ hay tiết kiệm năng lượng, xung nhịp của chip có thể giảm xuống dưới mốc 2GHz tiêu chuẩn. Đây được gọi là hiện tượng "thắt cổ chai" hiệu năng do nhiệt, và ảnh hưởng của nhiệt độ đối với hiện tượng giảm hiệu năng của máy vẫn luôn là chi tiết mà chúng tôi muốn đánh giá kĩ nhất trong các bài đánh giá laptop Mac.
Tuy nhiên, chip M1 hoạt động hơi khác một chút: Apple cho biết con chip này không có tính năng tăng tốc turbo boost. Chip hoạt động ở tốc độ xung nhịp tối đa trong đa số mọi trường hợp, và khi hệ thống phát hiện ra rằng máy không thể làm mát con chip một cách hiệu quả được nữa, nó sẽ tự động giảm hiệu năng xuống. Đây là điều chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra trên chiếc MacBook Air không có quạt tản nhiệt - cụ thể, điểm Cinebench của MacBook Air sẽ giảm dần sau khi chúng tôi cho máy chạy bài test nhiều lần trong khoảng thời gian 30 phút liên tục. Khung nhôm của MacBook Air cuối cùng cũng không đủ sức để làm mát con chip M1 sau một khoảng thời gian dài hoạt động, và do đó máy sẽ chạy chậm lại. Điều này có thể chấp nhận được với một mẫu laptop dành cho người dùng phổ thông, nhưng không thể là điều mà chúng ta có thể chấp nhận trên một mẫu máy "pro" được. Và như vậy, đối với MacBook Pro, Apple đã trang bị cho máy một chiếc quạt tản nhiệt. Và thật vậy, khi chúng tôi thực hiện bài test Cinebench liên tục trong khoảng thời gian 30 phút, quạt đã được khởi động chỉ sau vài phút và chạy liên tục trong suốt khoảng thời gian bài test được chạy. Tuy nhiên, về mặt thiết kế tản nhiệt, mẫu máy MacBook Pro có thiết kế tốt hơn MacBook Air về tổng thể: chúng tôi thực hiện bài test xuất video độ phân giải 4K tiêu chuẩn trong phần mềm Adobe Premiere Pro một vài lần, và quạt tản nhiệt không hề phải khởi động, tuy nhiên thời gian xuất file cũng không thay đổi (Chúng tôi nhận thấy có một lỗi kì lạ của lớp "giả lập" Rosetta trong bài test này: chúng tôi thiết lập để phần mềm Premiere xuất file với bitrate 40Mb/s, tuy nhiên khi chạy bài test xuất file này trên 3 chiếc máy tính sử dụng chip M1 khác nhau thông qua giả lập Rosetta, file kết quả lại chỉ có bitrate là… 20. Khi thiết lập xuất lên 80Mb/s thì file cho ra mới là 40Mb/s. Khi liên hệ với Adobe, công ty cho biết việc chạy các ứng dụng Creative Cloud thông qua Rosetta 2 không phải là phương thức được hãng hỗ trợ chính thức. Do đó, bạn hãy cẩn thận!)
Bài test MacBook Air MacBook Pro Mac mini
Cinebench R23 Multi 6803 7729 7729
Cinebench R23 Single 1494 1519 1520
Cinebench R23 Multi (lặp đi lặp lại trong 30 phút) 5369 7729 7780
Geekbench 5.3 CPU Multi 7510 7554 7711
Geekbench 5.3 CPU Single 1730 1730 1754
Geekbench 5.3 OpenCL/ Compute 18357 19211 19654
Trong thực tế, nhìn chung, khá khó để có thể "buộc" cái quạt tản nhiệt của MacBook Pro phải bật lên. Những tác vụ có thể ngay lập tức khiến quạt tản nhiệt của chiếc MacBook Pro 16-inch sử dụng chip Intel phải bật lên, chẳng hạn như sử dụng Google Meet trên Chrome, gần như không làm khó được MacBook Pro M1. Trừ phi bạn thường xuyên xử lý những công việc nặng trên laptop của mình trong thời gian dài, sự khác biệt giữa MacBook Air và Pro hầu như khá khó nhận ra. Tôi thực sự muốn nhấn mạnh rằng tất cả những gì chúng ta biết về con chip M1 của Apple hầu như đến từ chính Apple và rất khó để có thể kiểm tra lại một cách độc lập. Thông tin duy nhất mà chúng ta biết về hiệu năng và năng lượng tiêu thụ của chip M1 là thông qua biểu đồ này, song Apple cũng không ghi rõ đây là kết quả thử nghiệm của họ trong trường hợp nào, với mục đích sử dụng nào. Tóm lại, cũng như MacBook Air, hiệu năng của MacBook Pro chạy chip M1 là vượt xa những kỳ vọng của chúng tôi.
Biểu đồ minh hoạ sức mạnh của chip M1 do Apple công bố Apple trả lời phỏng vấn của chúng tôi rằng các đường cong của đồ thị được vẽ trên quy mô tuyến tính và cũng lưu ý rằng chip M1 mang đến hiệu suất gấp đôi so với chip đối thủ cạnh tranh (không rõ thương hiệu hay model cụ thể) ở mức công suất 10 watt. Điều đáng chú ý nữa là đường cong của M1 dừng lại… giữa chừng. Apple cho biết nhóm phát triển chip của họ quan tâm nhiều đến thời lượng pin cũng như hiệu suất và họ đã thiết kế con chip M1 để mang đến sự cân bằng của cả hai yếu tố trên, chứ không phải mang tới hiệu suất tối đa bằng mọi giá. Điều đó có nghĩa là thời lượng pin trên Pro là tuyệt vời, giống như với MacBook Air. Apple đã có những công bố táo bạo về các cải tiến liên quan đến thời lượng pin trên MacBook Pro chạy chip M1 - theo đó, thời lượng pin của những mẫu máy này gấp đôi so với các máy tính sử dụng chip Intel - và mặc dù tôi không thấy đúng sự thật đó, nhưng tôi cũng đã có thể dễ dàng có được 10 tiếng sử dụng chỉ sau một lần sạc pin và phải thực sự "ép" chiếc máy này làm việc rất "căng" mới có thể "đốt" hết viên pin trong 8 tiếng (Có lúc, tôi đã cho phát video 4K trên YouTube bằng Chrome ở chế độ nền, nhằm... Làm tiêu hao pin nhanh hơn.)
Các ứng dụng vốn nổi tiếng với việc "ngốn" pin
- - như Chrome và các ứng dụng của Electron như Slack
- - dường như vẫn còn chạy khá tốn pin trong chế độ "giả lập" Rosetta 2
vì vậy chúng ta sẽ phải chờ xem mọi thứ có khác không khi các nhà phát triển tung ra phiên bản dành riêng cho chip Apple của những ứng dụng này. Điều đó cho thấy rằng chúng tôi bị giới hạn về mặt thông tin và phải rất vất vả để có thể suy luận ra những thông số kỹ thuật chi tiết của con chip M1 chỉ dựa vào một cái biểu đồ không-mấy-hữu-ích từ Apple và những bài test benchmark. Giống như các chip di động khác của hãng tự thiết kế, Apple sẽ không cung cấp thông tin kỹ thuật chi tiết về M1; cửa sổ "Giới thiệu về máy Mac này" (About This Mac) thậm chí không hiển thị tốc độ xung nhịp của con chip (tuy nhiên Geekbench và Cinebench đều đưa ra con số về tốc độ xung nhịp nằm trong khoảng 3,2GHz.) Cũng khó tìm thấy bất kỳ kết quả nào về nhiệt độ, điện năng tiêu thụ hoặc tốc độ xung nhịp trực tiếp nào nếu tra cứu thông qua các công cụ tiêu chuẩn của macOS
Tất nhiên, ứng dụng Power Gadget của Intel cũng không hoạt động với con chip này - và Apple cũng không cho biết liệu những thông tin này có hiển thị trong bất kỳ tiện ích nào ra mắt trong tương lai hay không. Vì vậy, mặc dù con chip này cho hiệu suất rất tốt trong các thử nghiệm thực tế của chúng tôi, nhưng rất khó để nói chính xác điều gì đang diễn ra bên trong chip M1 trong các trường hợp sử dụng cụ thể. Dù vậy, tin tốt là hiệu suất thực tế tuyệt vời dù sao cũng quan trọng hơn so với việc biết được những thông số kỹ thuật chi tiết, đối với đa số người dùng. Các giới hạn của con chip M1 cũng trở nên rõ ràng hơn trên mẫu laptop "pro". Không có laptop M1 nào được trang bị bộ nhớ RAM trên 16GB và cũng không có mẫu máy nào hỗ trợ người dùng nâng cấp bộ nhớ RAM cả. Máy cũng chỉ hỗ trợ kết nối với một màn hình ngoài. Apple cho biết công ty đã phát triển bộ điều khiển (controller) Thunderbolt của riêng họ và nó được tích hợp vào bên trong con chip M1, nhưng chúng tôi chưa thấy mẫu laptop M1 nào được trang bị nhiều hơn hai cổng Thunderbolt cả. Bạn cũng không thể sử dụng GPU rời với các cổng Thunderbolt này như các máy tính sử dụng chip Intel. Đây là tất cả những hạn chế có thể chấp nhận được trên mẫu MacBook Air - vốn hướng đến đối tượng người tiêu dùng thông thường; nhưng trên MacBook Pro, chúng khiến cho chiếc máy này trở nên kém hấp dẫn hơn trong mắt người dùng.
Con chip M1 cũng mở ra một số thay đổi lớn khác đối với nền tảng Mac, tuy nhiên những thay đổi này không hiện hữu ngay ở thời điểm hiện tại với những chiếc MacBook Pro M1 đầu tiên - song có thể có ý nghĩa rất lớn trong tương lai. Các máy MacBook M1 hiện áp dụng một "nhóm" bộ nhớ duy nhất được chia sẻ chung, đóng vai trò của cả bộ nhớ hệ thống và bộ nhớ đồ hoạ, giống với iOS, được gọi là Kiến trúc bộ nhớ hợp nhất (UMA), mang tới hiệu suất xử lý đồ họa nhanh hơn so với đồ họa tích hợp, nhưng cahcs làm này có thể đánh dấu sự kết thúc của những chiếc GPU rời trên máy tính Mac. Và mặc dù UMA không gây ra bất kỳ vấn đề tương thích nào với các ứng dụng trong thử nghiệm của chúng tôi, nhưng có thể có những ứng dụng chuyên biệt cần phải được cập nhật để có thể hoạt động trên những máy này. Điều đó cho thấy rằng, một trong những điều mà Apple cứ nhắc đi nhắc lại về những chiếc máy tính M1, rằng chúng vẫn là những chiếc máy Mac, mô hình hệ điều hành và ứng dụng cũng có tính mở như bất kỳ chiếc máy Mac nào khác. Hy vọng rằng điều đó có nghĩa rằng chúng ta sẽ sớm được biết những thông tin hữu ích về giới hạn của những con chip M1, khi ngày càng có nhiều người, nhiều đơn vị tạo ra những tiện ích và phần mềm test hiệu năng (benchmark) cho nó. Và tôi hy vọng Apple sẽ cung cấp thêm thông tin cụ thể hơn về con chip của họ, khi công ty tiến hành mở rộng việc áp dụng kiến trúc chip này sang các dòng máy khác của hãng - những người dùng chuyên nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thiết kế các ứng dụng chắc chắn sẽ muốn biết thông tin này. Phần còn lại của chiếc MacBook Pro 13-inch này giống hệt như mẫu MacBook Pro sử dụng chip Intel gần nhất mà công ty ra mắt: hai cổng kết nối USB-C, một màn hình độ sáng 500 nit, bàn phím "cũ mà mới" với thiết kế lẫy kéo, thanh Touch Bar và webcam độ phân giải "đáng buồn" là 720p. Apple cho biết công ty sử dụng những kỹ thuật xử lý hình ảnh mang từ iPhone lên máy Mac M1 để cải thiện hình ảnh thu được từ webcam, và bạn có thể thấy rõ kết quả của những tinh chỉnh đó. Mặt người được làm sáng hơn, và phần phơi sáng hậu cảnh cũng đẹp hơn. Nhưng bạn cũng có thể nhận thấy trong một số trường hợp, sự "xử lý" đó cũng khiến chất lượng hình ảnh tổng thể trở nên tệ hơn thay vì tốt lên. Lúc đầu, chúng tôi thực sự có ý định cho chiếc máy này 10/10 điểm đánh giá, nhưng chất lượng camera đã khiến chúng tôi không thể làm vậy, nhất là khi đây là một chiếc laptop "pro", đắt hơn so với MacBook Air. Tôi cũng sẽ không đề cập đến thanh Touch Bar quá nhiều ngoại trừ việc bình thường, tôi sẽ không cần nhìn vào bàn phím khi gõ đâu, nhưng nếu khi gõ mà cứ phải nhìn xuống màn hình nhỏ của Touch Bar để điều chỉnh những thứ như âm lượng và độ sáng thì thà dùng phím vật lý còn hơn, và thậm chí điều này còn nghiêm trọng hơn khi các nút điều khiển của macOS Big Sur đã được thiết kế lại trông giống như trên iOS… Việc này khiến tôi cứ bị nhầm, cứ chạm tay vào màn hình của MacBook trong khi nó làm gì có cảm ứng! Sự "cứng đầu" của Apple khi cho rằng màn hình cảm ứng trên laptop là không cần thiết và phiền phức đã trở nên ngớ ngẩn, đặc biệt là khi việc này trên iPad và thế giới laptop Windows đâu có đem lại điều gì phiền phức đâu. Hy vọng rằng trong năm tới, công ty sẽ "giả vờ" thông báo rằng họ đã phát hiện ra một cách mới để hiện thực hoá "điều hiển nhiên", đó là đưa màn hình cảm ứng lên Mac và loại bỏ thanh Touch Bar. Có hai điều để nói về chiếc MacBook Pro 13-inch sử dụng chip M1: một là, bản thân con chip M1 và biết bao công sức mà Apple đã đổ vào để giúp việc chuyển đổi nền tảng vi xử lý trở nên nhẹ nhàng là một thành công đáng ca ngợi; và thứ hai, chính chiếc MacBook Pro 13-inch này đã không thể chứng tỏ rằng nó là một bản nâng cấp đáng để người dùng "rút hầu bao" so với chiếc MacBook Air M1. Thật vậy, nó chỉ mang đến hiệu năng tốt hơn chút xíu trong trường hợp bạn phải thao tác trong thời gian dài và thời lượng pin cao hơn đôi chút so với MacBook Air. Nhưng thôi, thà đánh đổi vài giây render nhanh hơn của chiếc máy này để đổi lấy sự "biến mất" của Touch Bar trên MacBook Air M1 còn hơn! Và thực ra, nếu bạn thực sự nghiêm túc và cần sức mạnh xử lý cao hơn, thì có lẽ bạn sẽ cần nhiều hơn 2 cổng kết nối, nhiều hơn 16GB bộ nhớ RAM, và nhiều hơn 1 màn hình ngoài… Thế nên, có thể nói chiếc máy này giống như một cô cậu tuổi teen - một thiếu niên xuất sắc, năng động - nhưng vẫn chỉ là "teen" mà thôi, chứ chưa trưởng thành.
Theo VnReview